Vang mãi thiên hùng ca trên biển

Bài 5: Nghĩa tình người ở lại

10:48 25-10-2021

(Tiếp theo và hết)

VBĐVN.vn - Kể từ khi con tàu đầu tiên chở vũ khí vào Nam, đến nay đã qua 6 thập kỷ. Nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đã thành người thiên cổ. Vì yếu tố bí mật và điều kiện chiến tranh nên việc tìm lại dấu tích con đường vận tải biển năm xưa để tri ân những người nằm lại chiến trường là công việc rất khó khăn. Thế nhưng, nhiều năm qua, với tinh thần trách nhiệm, tình cảm chân thành, các cựu chiến binh Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển đã làm được nhiều việc nghĩa, giữ trọn đạo lý của những người ở lại.

Nỗ lực tri ân đồng đội

Theo chân các cựu chiến binh của Đoàn tàu không số, chúng tôi đã đến được nhiều địa điểm, nghe được nhiều câu chuyện cảm động về tình đồng chí, đồng đội khi các anh còn cùng nhau trên những con tàu không số, cũng như khi đã về với cuộc sống đời thường. Trường hợp tiêu biểu là chuyện của thương binh Phan Hải Hồ, thủy thủ Tàu 69. Trong trận chiến đấu với địch trên vùng biển Tây Nam đêm 1-1-1967, Tàu 69 đã chiến đấu anh dũng, quả cảm. Quá trình chiến đấu, Phan Hải Hồ bị mảnh đạn cứa gần đứt một cẳng chân. Khi đó, anh nhờ y tá trên tàu cắt bỏ. Tuy nhiên, đồng chí y tá không nỡ nên Phan Hải Hồ đã bò vào khoang bếp tìm dao và tự cắt bỏ cẳng chân của mình cho khỏi vướng để tiếp tục chiến đấu. Phẩm chất, hành động anh hùng của Phan Hải Hồ là biểu tượng ngời sáng của người chiến sĩ Đoàn tàu không số, góp phần làm nên bản hùng ca trên biển.

Cựu chiến binh Đoàn tàu không số thăm, tri ân gia đình cơ sở đã cưu mang các cán bộ, chiến sĩ tại bến Lộc An (Bà Rịa-Vũng Tàu) năm 2012

Chúng tôi đã về thôn Địch Lễ A, xã Nam Vân, TP Nam Định (tỉnh Nam Định), thăm người chiến sĩ của Tàu 69 năm đó. Bà con hàng xóm cho biết, sau chiến tranh, ông Phan Hải Hồ trở về quê. Không chịu chùn bước trước hoàn cảnh, ông vẫn chống nạng đi cày, tham gia công tác tại địa phương, làm kế toán hợp tác xã nông nghiệp... cho đến khi tuổi cao, sức yếu mới chịu nghỉ. Chỉ còn một chân nhưng ông cho rằng mình vẫn may mắn vì nhiều đồng đội của ông đã nằm lại mãi dưới biển sâu. Bởi vậy, sau ngày hòa bình lập lại, khi sức còn khỏe, dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng ông đã một mình lặn lội vào miền Nam đi tìm mộ đồng đội, thăm lại chiến trường xưa bằng chính số tiền vợ chồng ông dành dụm được với dự định sửa lại căn nhà đã xuống cấp. Tiếc là thời gian, tuổi tác và thương tật khiến sức khỏe người anh hùng của biển cả chẳng thể kéo dài mãi. Ngày 3-5-2016, Anh hùng LLVT nhân dân Phan Hải Hồ đã về cõi vĩnh hằng với đồng đội một thời oanh liệt.

Mặc dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Trần Văn Hữu, Chủ tịch Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn hằng ngày cùng cán bộ, hội viên ban liên lạc chăm lo công tác hội. Khái quát về công tác chính sách và những việc của hội truyền thống, ông Hữu cho biết: "Chúng tôi đã tổ chức hàng chục chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, qua đó giúp cán bộ, hội viên có dịp tri ân đồng chí, đồng đội, cũng như bà con ở các bến đã một thời nhường cơm sẻ áo, cưu mang, đùm bọc cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số. Hội cũng đã phối hợp với Lữ đoàn 125 Hải quân cùng các cơ quan chức năng của quân chủng và cấp ủy, chính quyền các địa phương giải quyết công tác chính sách cho hàng trăm hội viên; tổ chức tôn tạo, xây dựng bia, nhà tưởng niệm các liệt sĩ của Đoàn tàu không số; xây dựng được hàng chục căn nhà tình nghĩa tặng các hội viên có hoàn cảnh khó khăn..."

Cựu chiến binh Đoàn tàu không số dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu di tích Kim Liên, Nghệ An, năm 2011

Ông Đào Hồng Tuyển, Phó chủ tịch Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển, chia sẻ: "Thay mặt Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển, chúng tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước những anh hùng liệt sĩ của Đoàn tàu không số. Chúng tôi-những cựu chiến binh hôm nay xin gửi tất cả tấm lòng yêu thương, trân trọng đến đồng bào, chiến sĩ trên các miền quê hương, nơi các bến bãi mà tàu không số cập bến, công tác, chiến đấu. Cảm ơn đồng bào đã đùm bọc, chở che, nhường cơm sẻ áo cho những người con của Đoàn tàu không số; cảm ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu đã sáng lập ra Đường Hồ Chí Minh trên biển để chúng tôi được đóng góp xương máu, công sức của mình cho dân tộc, để non sông liền một dải, đất nước đẹp giàu và đang có một vị thế, tiền đồ tươi sáng như ngày hôm nay".

Lời kết

Để có được ngày hòa bình, non sông thống nhất như hôm nay, công lao to lớn trước hết thuộc về những người đã ngã xuống, trong đó có sự hy sinh, đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số. Máu xương của cán bộ, thủy thủ đã tan vào biển cả, không chỉ làm nên con đường vận chuyển chiến lược trên biển mà còn làm nên cõi thiêng liêng trong lòng mỗi người Việt Nam hôm nay.

Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, một lần nữa chúng ta hiểu thêm về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của chủ trương xây dựng tuyến chi viện chiến lược trên biển. Con đường là biểu hiện sáng ngời cho tinh thần yêu nước, ý chí sắt đá, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tinh thần cách mạng kiên cường, truyền thống anh hùng, sáng tạo nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam, trực tiếp bảo đảm cho chiến trường miền Nam đánh thắng kẻ thù xâm lược. Qua đó, rút ra những bài học kinh nghiệm vận dụng vào phát triển lý luận nghệ thuật quân sự Việt Nam và trong huấn luyện, đào tạo cán bộ, chiến sĩ; tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy, bồi đắp tinh thần yêu nước cho Bộ đội Cụ Hồ và các tầng lớp nhân dân. Tôn vinh, tri ân những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đã làm nên trang sử oanh liệt của dân tộc, một thiên anh hùng ca bất tử, tô thắm truyền thống đánh giặc, giữ nước của dân tộc Việt Nam để các thế hệ hôm nay và mai sau được kế thừa, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Gần 15 năm chi viện vũ khí cho chiến trường là quãng thời gian mà cán bộ, chiến sĩ trên những con tàu không số đã vượt lên mọi gian khổ, hy sinh, mưu trí, dũng cảm, táo bạo đạp sóng, vượt gió, vượt qua sự phong tỏa, truy đuổi của kẻ thù để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hàng nghìn lượt tàu đã ra khơi, hàng trăm nghìn tấn vũ khí và hàng chục nghìn người đã từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam bằng Đường Hồ Chí Minh trên biển, góp phần tạo nên những thắng lợi vang dội trên các mặt trận. Để có con đường vận tải đó, duy trì hiệu quả tuyến chi viện đường biển chiến lược này, nhiều con tàu và nhiều cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đã mãi mãi ra đi mà không bao giờ trở lại. Con đường chuyên chở vũ khí trên Biển Đông trở thành con đường huyền thoại có thật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trải qua 60 năm xây dựng, trưởng thành, có hai lần Đoàn 759 (nay là Lữ đoàn 125 Hải quân) cùng nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Để hoàn thành vệt bài này, chúng tôi rất trân trọng sự giúp đỡ, ủng hộ của Ban liên lạc Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam và của nhiều cán bộ, hội viên trong việc cung cấp thông tin, tài liệu. Trong bài chúng tôi đã nghiên cứu, sử dụng một số tư liệu của các đồng nghiệp đi trước đã có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số mà nay do thời gian, tuổi tác các nhân chứng đã không còn. Vệt bài viết này tự như một lời tri ân sâu sắc xin được gửi tới các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Đoàn tàu không số với những cống hiến, hy sinh to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước./.

Bài và ảnh: MAI CHU ANH

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang